Cách thức chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Quảng Bình (Báo Nhân Dân)

Cách thức chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Quảng Bình (Báo Nhân Dân)

Cách thức chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Quảng Bình

a năm gần đây, người dân nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đưa các giống cây dược liệu vào trồng tại những vùng gò đồi, đất lúa kém năng suất, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Việc làm này không chỉ nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt hiện nay.

Cách thức chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở Quảng Bình

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch hướng dẫn người dân xã Cự Nẫm trồng cà gai leo

Tăng thu nhập cho nông dân

Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Long, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, từ mô hình trồng cà gai leo đầu tiên của một nông dân ở xã Sơn Lộc thành công, người dân ở các xã vùng gò đồi đã chuyển đổi sang trồng loại dược liệu này, bước đầu cho hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa và cây màu. Cùng với Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Long, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Giang ở thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) khi đang vào vụ trồng cà gai leo mới. Chị Giang cho biết, cà gai leo dễ trồng, ít sâu bệnh, lại chịu được khô hạn, giá cao và dễ bán. Những năm trước, vợ chồng chị bán sản phẩm thô với giá từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi hơn 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình được cải thiện, tạo việc làm cho một số lao động thời vụ tại địa phương. Đầu năm 2018, vợ chồng Giang học hỏi kinh nghiệm, mua thiết bị để sản xuất cao cà gai leo, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm với thương hiệu cà gai leo Thanh Bình.

Nhờ vậy, giá trị của cây cà gai leo được nâng cao so với việc bán cây khô. Tháng 9-2018, vợ chồng chị Nguyễn Thị Giang thành lập HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm, với diện tích trồng cà gai leo khoảng 6 ha, đủ nguyên liệu để chế biến cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Giang cho biết: “Việc thành lập HTX trồng cây dược liệu Cự Nẫm là bước ngoặt lớn, bởi không chỉ giúp chúng tôi chủ động nguồn nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân trong xã từ loại cây tiềm năng này. Hiện, sản phẩm của HTX được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng”.

Gia đình chị Phan Thị Xuyến ở thôn 7, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch sống chủ yếu dựa vào khoảng 800 m2 đất lúa cho nên thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2017, chị tham gia vào tổ hợp tác trồng cà gai leo của thôn. Chỉ với 1.300 m2 đất đồi cằn cỗi trong khu vườn nhà, chị Xuyến trồng cà gai leo, sau hơn sáu tháng thu về gần 15 triệu đồng. Chị Xuyến cho biết, được sự hỗ trợ của Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình, tổ hợp tác trồng cà gai leo thôn 7 và thôn 8 của xã Quảng Thạch được thành lập với 30 thành viên, trồng 4 ha. Quá trình chăm sóc cà gai leo được các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất. Nguyên liệu phơi khô được một doanh nghiệp tại huyện Bố Trạch mua với giá 30 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu khá cho các gia đình. Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Thanh Sơn, người dân trong xã đã chuyển đổi đất gò đồi trồng keo, tràm kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu như cà gai leo, gừng, nghệ, nén, đạt hiệu quả kinh tế cao gấp năm lần so với trồng rừng.

Quảng Bình là địa phương có diện tích cây cao-su tương đối lớn ở khu vực bắc miền trung. Hiệu quả của loại cây công nghiệp này là khá cao, song những năm gần đây, tại Quảng Bình thường xuyên xảy ra bão lớn, gây thiệt hại cho nhiều diện tích trồng cao-su. Vì vậy, tỉnh có chủ trương không mở rộng việc trồng cây cao-su mà ưu tiên trồng các loại cây có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có dược liệu. Hiện, nhiều nông dân trồng xen các loại cây dược liệu dưới tán cao-su và các cây trồng lâu năm khác. Thực tế cho thấy, thu nhập từ cây dược liệu đạt 250 triệu đồng/ha/năm, trừ các chi phí, người dân thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha/năm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Cẩm Long, các loại cây dược liệu rất phù hợp với chất đất Quảng Bình, việc trồng và chăm sóc đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh. Khi trồng xen với cao-su hoặc các cây dài ngày, người nông dân có cả nguồn thu trước mắt cũng như lâu dài.

Cần sớm quy hoạch vùng trồng

Việc trồng cây dược liệu ở một số địa phương của tỉnh Quảng Bình cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, khẳng định tính bền vững, thân thiện với môi trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện Bố Trạch là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa cây dược liệu vào danh mục ưu tiên phát triển. Hiện, toàn huyện có gần 100 ha cây dược liệu. Trên địa bàn đã có bốn doanh nghiệp đang đầu tư vùng nguyên liệu và xây dựng cơ sở chế biến dược liệu để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời liên kết sản xuất theo chuỗi với các hợp tác xã và hộ dân, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân. Đáng chú ý, hiện nay tại huyện Bố Trạch, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm đã đầu tư dự án trồng sâm Bố Chính (giống sâm quý của tỉnh Quảng Bình) với quy mô 50 ha và liên kết người dân trong vùng trồng khoảng 500 ha dược liệu này. Hiện, Công ty Tuệ Lâm đã ký hợp đồng tiêu thụ sâm nguyên liệu với một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, hy vọng về sự đổi thay cho người dân vùng đồi Bố Trạch.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá tiềm năng đất đai, diễn biến bất thường của thời tiết và qua quá trình trồng khảo nghiệm đã cho thấy, dược liệu là cây trồng phù hợp với vùng đất gò đồi trong tỉnh, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Vì vậy, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với UBND tỉnh quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu dược liệu, trên cơ sở đó có các chính sách hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu, gắn với khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ làm cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp để đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, hỗ trợ đầu ra, tiến tới xây dựng vùng sản xuất dược liệu hàng hóa. Riêng tại huyện Bố Trạch, hiện nay địa phương có chính sách hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/ha đối với những hộ dân mở rộng diện tích trồng dược liệu theo chuỗi liên kết; đồng thời, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân tham gia mô hình.

Có thể nói, kết quả thực tế từ những mô hình trồng dược liệu tại Quảng Bình đã mở ra tiềm năng, cơ hội cho người nông dân nâng cao thu nhập trên vùng đất còn nhiều khó khăn và thiên tai khắc nghiệt.

BÀI VÀ ẢNH: HƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Xem thêm :

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đặt hàng nhanh
Bạn vui lòng ghi rõ cụ thể thông tin mua hàng hoặc yêu cầu, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn ngay khi nhận được thông tin!