Chương trình “mỗi xã mỗi sản phẩm” đang được các địa phương huyện Bố Trạch triển khai tích cực với nhiều cách làm khác nhau.
Mục tiêu để sản phẩm nông nghiệp hình thành theo chuỗi hàng hóa trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân trên địa bàn. Từ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng quê Bố Trạch được gắn với phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách thập phương.
Lần đầu tiên, những sản vật đặc trưng của các địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch được trưng bày và giới thiệu tại Phong Nha-Kẻ Bàng thông qua ngày hội “Phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp”.
Từ những món ăn dân dã, như: bánh gai, bánh cuốn, bánh rán, đến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống đều được giới thiệu đến với du khách. Chỉ trong 2 ngày tham gia, các gian hàng đều nhận được phản hồi tích cực từ người dân và du khách. Các sản phẩm bày bán được tiêu thụ nhanh chóng cho thấy nhu cầu mua sắm của du khách là rất lớn.
Anh Trương Công Nghĩa, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận: “Tôi từng đến du lịch ở nhiều nước và có ấn tượng với đất nước Nhật Bản. Hôm nay, đến tham quan động Phong Nha, được tham gia hội chợ bên sông Son, tôi có cảm giác cách thức tổ chức tương tự như ở Nhật vậy.
Sự có mặt của nhiều sản phẩm của nông dân thực sự rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của mọi người. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, nếu biết cách quảng bá thì những nông sản này có thể phát triển ra thị trường lớn, phục vụ du khách và xuất khẩu”.
Là quê hương của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Bố Trạch không chỉ có lợi thế về du lịch mà còn phong phú về hàng hóa nông sản, bởi đặc thù địa hình hội tụ nhiều yếu tố, có đồng bằng, vùng núi và ven biển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, như: ổi Hưng Trạch, dầu lạc Phong Nha-Nguồn Son; các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu, như: cao cà gai leo, cao lạc tiên…, ban đầu đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Tất nhiên, để những sản phẩm nông nghiệp từ trên những cánh đồng, vùng gò đồi hay miền biển đến tay người tiêu dùng là lộ trình không hề đơn giản. Để khách thập phương biết đến và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch thực sự, cần phải trải qua nhiều công đoạn.
Trong đó, sau sản xuất, chế biến, điểm mấu chốt là khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá và phân phối sản phẩm. Ở huyện Bố Trạch, hiện 14 chuỗi sản phẩm mà địa phương đang xây dựng đã qua công đoạn chế biến; một số sản phẩm đang xây dựng thương hiệu và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đưa ra thị trường.
Song song với quá trình này là chiến lược quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Đây không những là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, của người nông dân sản xuất mà còn là sự chung tay của các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội LHPN…
Tại ngày hội phụ nữ sáng tạo-khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Trí Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch, trao đổi: “Chúng tôi chọn đưa những sản phẩm của chị em phụ nữ trên địa bàn trực tiếp sản xuất, bảo đảm chất lượng đến tham gia ngày hội tại trung tâm Phong Nha-Kẻ Bàng nhằm giao lưu, giới thiệu và quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về một vùng quê không những giàu tiềm năng về du lịch mà còn phong phú các sản vật.
Qua đó, tạo tiền đề, động lực để chị em mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu có cơ hội được tham gia dịch vụ chợ đêm do huyện tổ chức, các hội cơ sở ở mỗi xã sẽ xây dựng một gian hàng hội đủ nhiều đặc sản, vừa đậm đà hương vị riêng có của mỗi làng quê, vừa bảo đảm chất lượng, góp phần đưa sản vật của huyện Bố Trạch đến với du khách và phấn đấu sẽ có tên trong danh sách các sản vật du lịch của Việt Nam”.
Hiện nay, những chuỗi sản phẩm mà huyện Bố Trạch đang xây dựng chủ yếu là thực phẩm sạch và nông sản an toàn. Từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản theo dây chuyền công nghiệp, hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản. Việc liên kết để tạo ra thành phẩm sẽ được bắt đầu từ chính người sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu, hỗtrợ người sản xuất về tài chính cũng như tập huấn chuyển giao công nghệ từ chăm sóc đến kỹ thuật thu hoạch…
Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ cho biết: “Theo quy hoạch, huyện Bố Trạch ưu tiên phát triển các sản vật ở những địa phương có vị trí dọc tuyến Quốc lộ 1 và dọc đường Hồ Chí Minh nhằm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm phục vụ du lịch.
Thành công bước đầu tại ngày hội giao lưu hàng hóa nông sản tại trung tâm Phong Nha-Kẻ Bàng vừa qua là tín hiệu đáng mừng trong việc định hướng phát triển kinh tế của huyện. Huyện Bố Trạch cũng đang hình thành ý tưởng xây dựng khu chợ đêm và siêu thị hàng hóa nông sản tại xã Sơn Trạch nhằm tạo điểm nhấn, đưa sản phẩm nông sản sạch phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương”.
Hương Trà